-
Các phương pháp, biện pháp cơ bản về chữa cháy
Các phương pháp, biện pháp cơ bản về chữa cháy
Một số nội dung về phương pháp và biện pháp chữa cháy:
1. Những vấn đề chung về công tác chữa cháy:
- Khái niệm về chữa cháy: Trong Luật PCCC giải thích từ ngữ chữa cháy là bao gồm các công việc huy động, triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, cắt điện, tổ chức thoát nạn, cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan, dập tắt đám cháy và các hoạt động khác có liên quan đến chữa cháy. Tuy vậy, trong khoa học về PCCC nghiên cứu quá trình chữa cháy là việc sử dụng lực lượng và phương tiện để tạo thành các điều kiện làm ngừng sự cháy. Nói cách khác đó là giảm nhiệt độ cháy xuống thấp hơn nhiệt độ tắt dần. Tóm lại, để chữa cháy cần phải có lực lượng, phương tiện, nước và các vật liệu chữa cháy cùng người chỉ huy chữa cháy để tổ chức, điều hành các hoạt động cần thiết nhằm dập tắt đám cháy và hạn chế tối đa các thiệt hại về người và tài sản do đám cháy gây ra.
- Biện pháp cơ bản trong chữa cháy: Luật PCCC (Điều 30) đã quy định cụ thể biện pháp cơ bản cần phải thực hiện trong hoạt động chữa cháy là,
+ Huy động nhanh nhất các lực lượng, phương tiện để dập tắt ngay đám cháy.
+ Tập trung cứu người, cứu tài sản và chống cháy lan.
+ Thống nhất chỉ huy, điều hành trong chữa cháy.
- Thông tin báo cháy và chữa cháy: (Điều 32 Luật PCCC)
+ Thông tin báo cháy bằng hiệu lệnh hoặc bằng điện thoại. (đối với các thôn, ấp, bản nên chú trọng dùng hiệu lệnh để thông tin báo cháy cho đội viên dân phòng, còn điện thoại cũng cần được quan tâm để báo cháy cho đơn vị Cảnh sát PCCC biết).
+ Số điện thoại báo cháy được quy định thống nhất trong cả nước.
- Trách nhiệm chữa cháy và tham gia chữa cháy: (Điều 33 Luật PCCC)
+ Người phát hiện thấy cháy phải bằng mọi cách báo cháy nhanh nhất và chữa cháy; cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân gần nơi cháy phải nhanh chóng thông tin và tham gia chữa cháy.
+ Lực lượng PCCC khi nhận được tin báo cháy trong địa bàn được phân công quản lý hoặc nhận được lệnh điều động phải lập tức đến chữa cháy; trường hợp nhận được thông tin báo cháy ngoài địa bàn được phân công quản lý thì phải báo ngay cho lực lượng PCCC nơi xảy ra cháy, đồng thời phải báo cáo cấp trên của mình.
Sử dụng xe công nghệ 1.7 chữa cháy nhà dân bị cháy
+ Cơ quan Y tế, điện lực, cấp nước, môi trường đô thị, giao thông và các cơ quan hữu quan khác khi nhận được yêu cầu của người chỉ huy chữa cháy phải nhanh chóng điều động lực lượng và phương tiện đến nơi xảy ra cháy để phục vụ chữa cháy.
+ Lực lượng công an, dân quân, tự vệ có trách nhiệm tổ chức giữ gìn trật tự, bảo vệ khu vực chữa cháy và tham gia chữa cháy.
- Nguồn nước và các vật liệu chữa cháy: (Điều 35 Luật PCCC)
Khi có cháy, mọi nguồn nước và các vật liệu chữa cháy phải được ưu tiên sử dụng cho chữa cháy.
- Người chỉ huy chữa cháy: Theo quy định của Luật PCCC và Nghị định hướng dẫn thi hành luật PCCC thì người làm chỉ huy chữa cháy là,
+ Trong mọi trường hợp, người có chức vụ cao nhất từ chỉ huy cấp đội Cảnh sát PCCC trở lên có mặt tại nơi xảy ra cháy là người chỉ huy chữa cháy.
+ Khi lực lượng Cảnh sát PCCC chưa đến nơi cháy thì trong phạm vi quản lý của mình, người làm chỉ huy chữa cháy là một trong số những người sau: Người đứng đầu cơ sở, đội trưởng đội PCCC cơ sở hoặc người được uỷ quyền; trưởng thôn (và cấp tương đương), đội trưởng đội dân phòng hoặc người được uỷ quyền; người chỉ huy phương tiện, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới; chủ rừng hoặc người được uỷ quyền nếu rừng thuộc cơ quan, tổ chức.
+ Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chủ tịch UBND cấp xã trở lên có mặt tại đám cháy là người chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy.
2. Các phương pháp làm ngừng sự cháy:
Các nhà khoa học đã nghiên cứu về phương pháp làm ngừng sự cháy và chia ra làm 4 nhóm là:
- Phương pháp làm lạnh vùng cháy hoặc chất cháy.
- Phương pháp giảm nồng độ các chất phản ứng.
- Phương pháp cách ly các chất phản ứng với vùng cháy.
- Phương pháp kìm hãm (ức chế) hoá học phản ứng cháy.
+ Phương pháp làm lạnh là hạ nhiệt độ của vùng cháy xuống thấp hơn nhiệt độ tắt dần hoặc hạ nhiệt độ của chất cháy xuống thấp hơn nhiệt độ bốc cháy của nó. Phương pháp này được áp dụng chủ yếu để dập đám cháy chất rắn, còn đối với chất lỏng, khí ít khi áp dụng vì việc hạ nhiệt độ của vùng cháy xuống thấp hơn nhiệt độ bốc cháy của chúng là rất khó thực hiện. Trong thực tế, nước là chất chữa cháy có khả năng làm lạnh tốt để dập nhiều chất cháy khác nhau, tuy nhiên nước có tác dụng mạnh với các kim loại kiềm, kiềm thổ và một số chất khác, do vậy cần lưu ý khi sử dụng nước để chữa cháy khi xác định trong đám cháy có những loại chất này.
+ Phương pháp cách ly các chất phản ứng với vùng cháy là ngăn cách sự tiếp xúc giữa các phần tử chất cháy và chất ôxy hoá ở vùng phản ứng cháy. Trong chữa cháy có thể sử dụng các phương pháp cách ly bằng lớp bọt chữa cháy, lớp bột chữa cháy, bằng các sản phẩm nổ, bằng cá bộ phận ngăn cháy, bằng cách tạo khoảng cách. Phương pháp này được áp dụng để dập tắt hầu hết các dạng đám cháy, tuy nhiên cần kết hợp phun nước làm mát để loại trừ sự cháy trở lại.
+ Phương pháp giảm nồng độ các chất phản ứng (phương pháp làm loãng vùng cháy) là làm cho nồng độ của các chất tham gia phản ứng cháy giảm xuống thấp hơn giới hạn nồng độ bốc cháy thấp của chúng. Có thể thực hiện phương pháp này bằng cách thay đổi tỷ lệ giữa chất cháy và chất ôxy hoá hoặc giữ nguyên tỷ lệ mà giảm nồng độ thành phần của chúng bằng cách đưa thêm vào vùng cháy những loại chất trơ (không tham gia phản ứng cháy), cụ thể là bằng cách phun nước, phun sương hơi nước, khí trơ, bột chữa cháy, các sản phẩm cháy (khói, khí không cháy).
+ Phương pháp kìm hãm (ức chế) hoá học phản ứng cháy là làm mất khả năng hoạt hoá các tâm hoạt động của phản ứng cháy chuỗi. Các chất được sử dụng để dập cháy theo phương pháp này gồm một số loại bột chữa cháy.
Trong 4 phương pháp trên thì những phương pháp làm lạnh, làm giảm nồng độ các chất tham gia phản ứng cháy và cách ly là những phương pháp có tác dụng về mặt lý học. Phương pháp ức chế hoá học và tác dụng về mặt hoá học. Trong thực tế công tác chữa cháy thường sử dụng kết hợp nhiều phương pháp. Trong khi sử dụng một cách tổng hợp này thì bao giờ cũng có 1 phương pháp đóng vai trò chủ đạo còn các phương pháp còn lại chỉ là bổ trợ.
3. Các biện pháp chữa cháy:
Trong chiến thuật chữa cháy có 4 biện pháp chữa cháy là:
- Biện pháp chữa cháy theo mặt lửa.
- Biện pháp chữa cháy theo chu vi.
- Biện pháp chữa cháy theo diện tích.
- Biện pháp chữa cháy theo thể tích.
+ Biện pháp chữa cháy theo mặt lửa: Được áp dụng trong trong những trường hợp cần thiết phải khống chế không cho đám cháy tiếp tục phát triển. Trường hợp này chỉ huy chữa cháy bố trí lực lượng, phương tiện ở những phần chu vi đám cháy mà ở đó diễn ra quá trình cháy lan. Tiến hành dập tắt từng phần diện tích đám cháy, dần dần tiến tới dập tắt hoàn toàn đám cháy. Có trườnghợp chữa cháy theo mặt lửa trùng với chữa cháy theo chu vi.
+ Biện pháp chữa cháy theo chu vi: Được áp dụng khi lực lượng và phương tiện chữa cháy đến đám cháy đủ khả năng và điều kiện bố trí dập cháy trên toàn bộ diện tích của đám cháy, hoặc trường hợp đám cháy đang phát triển theo tất cả các hướng và mức độ đe doạ của đám cháy tới các hướng đó ngang nhau. Nếu không dập tắt cháy ở tấycả các hướng thì đám cháy sẽ phát triển lớn và gây hậu quả nghiêm trọng. Trong trường hợp này đòi hỏi phải huy động số lượng lực lượng và phương tiện đủ lớn để có thể dập cháy ở tấy cả chu vi của đám cháy.
+ Biện pháp chữa cháy theo diện tích: Được áp dụng khi lực lượng chữa cháy có đủ khả năng và điều kiện phun chất chữa cháy trên toàn bộ diện tích đám cháy.
Việc áp dụng biện pháp chữa cháy theo mặt lửa, chu vi hoặc diện tích còn phụ thuộc vào đặc điểm của đám cháy cũng như khả năng của lực lượng, phương tiện chữa cháy. Chẳng hạn, với đám cháy chất lỏng, ta chỉ có thể áp dụng biện pháp chữa cháy theo diện tích mới đạt hiệu quả; đối với đám cháy chất rắn không phải lúc nào cũng áp dụng được biện pháp chữa cháy theo diện tích bởi vì tấm phun sâu có tác dụng của các lăng phun nước có giới hạn nhất định (10m đối với lăng giá, 5 m đối với lăng cầm tay), do vậy dù có đủ lực lượng, phương tiện chữa cháy cũng không thể phun chất chữa cháy đồng thời trên toàn bộ diện tích đám cháy.
+ Biện pháp chữa cháy theo thể tích: Được áp dụng khi dập các đám cháy bằng khí trơ hoặc bằng bọt hòa không khí. Phương pháp chữa cháy theo thể tích rất hiệu quả đối với các đám cháy trong phòng kín hoặc đám cháy trong hầm cáp điện, hầm ngầm có khối tích không quá lớn.
Thực tế chữa cháy còn được áp dụng rất đa dạng các biện pháp dập cháy như theo vị trí phun chất chữa cháy (phun trực tiếp lên bề mặt chất cháy, phun vào vùng cháy, phun vào một điểm, phun đều toàn bộ bề mặt chất cháy…).
Các biện pháp chữa cháy rất đa dạng nên trong chữa cháy cần tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể để áp dụng một cách hợp lý và linh hoạt thì mới đạt hiệu quả chữa cháy cao.
4. Những nguyên tắc chung trong hoạt động chữa cháy:
- Hướng phát triển của đám cháy là hướng mà lửa lan truyền nhanh nhất. Hướng phát triển của đám cháy phụ thuộc vào hướng gió, hướng trao đổi không khí trong đám cháy và cách sắp xếp các loại chất cháy, tính chất của các chất trong đám cháy.
- Hướng quyết định trong cứu chữa đám cháy là hướng được tập trung nhiều lực lượng, phương tiện và chú ý của người chỉ huy trong cứu chữa đám cháy. Căn cứ để xác định hướng quyết định dựa trên các tình huống sau:
+ Phải chặn đứng đám cháy để cứu người bị nạn.
+ Phải chặn đứng không cho đám cháy lan đến khu vực có chất cháy, nổ, độc…. có khả năng gây nguy hại lớn.
+ Phải ngăn chặn không cho lửa lan đến khu vực để nhiều tài liệu, hàng hoá có giá trị cao.
+ Ngăn chặn không cho lửa tiếp tục cháy lan sang các phần nhà bên cạnh có khả năng dẫn đến cháy lớn.
+ Chặn đứng hướng phát triển của đám cháy.
- Để chặn đứng không cho lửa lan tràn và dập tắt đám cháy cần:
+ Nhanh chóng triển khai phun nước vào gốc lửa và ngăn chặn các hướng lửa phát triển.
+ Phá dỡ các bộ phận nhà cửa nhằm hạ thấp ngọn lửa, hạn chế cháy lan hoặc tháo dỡ tạo khoảng cách chặn đứng đám cháy.
+ Di chuyển các chất cháy phía trước ngọn lửa lan truyền để tạo khoảng cách không còn chất cháy không cho lửa cháy lan đến.
- Các lăng phun nước đầu tiên có tác dụng khống chế không cho lửa lan tràn, bảo vệ, trinh sát khi vào khu vực lửa, khói nguy hiểm để cứu người và nắm tình hình. Vì vậy nó có ảnh hưởng lớn tới hiệu quả, kết quả cứu chữa vụ cháy.
- Khi chữa cháy, các đơn vị tham gia phải luôn luôn chú ý bảo vệ những người tham gia chữa cháy, những người còn mắc kẹt trong đám cháy, tài sản, vật liệu, phương tiện… không để nước phun tràn lan làm hư hỏng.
- Khi chữa cháy nếu xét thấy cần thiết, người chỉ huy chữa cháy phải cho mở lỗ thoát khói, mở các cửa thông gió làm giảm nồng độ khói tạo điều kiện thuận lợi cho việc cứu người và chữa cháy. Khi mở thoát khói phải chú ý hạn chế đến mức thấp nhất khả năng cháy lan, cháy phát triển.
CÔNG TY BẢO HỘ LAO ĐỘNG GARAN
159/15 Đào Duy Anh, P.9, Phú Nhuận, tp. Hồ CHí Minh
Email: info@garan.com.vn; garanco.vn@gmail.com
Website: www.Thangdaythoathiem.com.vn
Ngày đăng: 09-01-2016 8,221 lượt xem